Khả năng cảm âm: Absolute Pitch và Relative Pitch
Bạn nghĩ gì khi đọc lên hai cụm từ này? Ắt hẳn sẽ có bạn đã từng nghe và đọc thấy ở đâu rồi nhỉ. Trong bài này, trung tâm SEAMI sẽ giới thiệu cho bạn hai thuật ngữ về cảm âm này!
Absolute pitch và relative pitch không chỉ những kỹ thuật hay lý thuyết mà chúng ám chỉ hai khả năng vừa giống mà vừa khác của con người. Cả hai đều diễn tả khả năng cảm âm của một người có thể đọc được tên nốt nhạc sau khi nghe người khác đánh. Nếu bạn vào một trường âm nhạc, bạn sẽ nghe thấy ai đó nói về bạn này hay thầy cô nọ có thể gọi tên nốt sau khi nghe qua mà không cần đánh lại hoặc nhìn cần đàn. Đấy là họ đang nói về khả năng cảm âm của một người.
Absolute Pitch
Trong giới âm nhạc, absolute pitch còn được gọi là perfect pitch, được dịch ra là cảm âm tuyệt đối. Một người sở hữu cảm âm tuyệt đối thuộc vào khả năng bẩm sinh và không cần sử dụng một nốt gốc để đối chiếu. Cảm âm tuyệt đối là khả năng thiên phú và không cần qua trường lớp để hình thành, nhưng vẫn phải đào tạo để phát triển và củng cố. Thường thì cảm âm tuyệt đối được phát hiện từ nhỏ. Cảm âm tuyệt đối bao gồm một số hoặc tất cả những trường hợp sau (không có âm liên hệ):
- Đọc tên nốt đơn lẻ phát ra từ nhiều loại nhạc cụ
- Đoán được tông bài hát khi nghe qua
- Chơi lại một đoạn nhạc sau khi nghe (không có sheet nhạc)
- Bắt chính xác và gọi tên các hợp âm
- Hát chính xác cao độ nốt nhạc
- Gọi tên nốt khi nghe âm thanh phát ra những vật dụng hằng ngày
Người sở hữu perfect pitch có khả năng học nhạc tốt hơn người bình thường do khả năng cảm âm tốt hơn và ghi nhớ nốt chính xác. Tuy nhiên, cảm âm tuyệt đối chưa chắc đã thành tay biểu diễn nhạc cụ tài ba bởi vì còn phụ thuộc vào quá trình đào tạo, chỉ là họ có đôi tai trời phú mà thôi. Những người có perfect pitch sẽ gặp vấn đề về tâm lý nếu họ nghe các nốt nhạc không hoàn hảo từ một bản nhạc hay một nhạc cụ nào đó vì họ rất nhạy cảm với tần số. Thường thì âm nhạc ngày nay người ta dùng nốt A của âm thoa làm chuẩn nên nếu nhạc cụ nào chơi không đúng tần số nốt chuẩn này sẽ làm người có perfect pitch khó chịu.
Người sở hữu khả năng cảm âm tuyệt đối xuất hiện nhiều ở vùng văn hoá sử dụng ngôn ngữ có dấu như Việt Nam hoặc Thái Lan. Bởi do đặc tính phân biệt từ này khác từ kia do dấu nên buộc dân cư thuộc những văn hoá này phát triển khả năng phân biệt âm thanh. Tuy nhiên, họ chỉ có khả năng phân biệt từ theo âm thanh như ngôn ngữ chứ chưa phải là âm nhạc. Khả năng cảm âm tuyệt đối được phát hiện sau này ở một số người khi họ được học tập và đào tạo âm nhạc mà thôi.
Relative Pitch
Khác với cảm âm tuyệt đối, relative có nghĩa là cảm âm tương đối. Khả năng này được hình thành thông qua quá trình luyện tai nghe (ear training). Người có cảm âm tương đối phải đối chiếu với một nốt gốc chứ não bộ của họ không tự thức được.
Thông qua luyện tập tai nghe tương đối, người chơi nhạc có thể bắt hợp âm hoặc liên tưởng đến các quãng từ nốt gốc trong vòng 1 octave (1 quãng 8) hoặc hơn tuỳ vào trình độ tai nghe. Một số học viên luyện tai nghe qua những phương pháp khắt khe và khổ luyện hình thành nên một khả năng gọi là cảm âm bán tuyệt đối, tức là gần đạt ngưỡng của perfect pitch.
Bạn sẽ rất hào hứng nếu gặp ai đó có cảm âm tuyệt đối bởi vì họ chỉ xuất hiện 1 trong số 10.000 người mà thôi. Nếu nhà bạn có các bé nhỏ hãy test thử khả năng cảm âm của bé. Sẽ rất tuyệt vời nếu bé có khả năng cảm âm tuyệt đối đấy. Nhưng dù có hay không, một trung tâm chất lượng như SEAMI sẽ biết cách đào tạo và định hướng để mỗi học viên được phát huy mọi khả năng âm nhạc của bản thân.
Người viết: Nguyễn Đỗ Thành Nhân
Nguồn tham khảo: https://en.wikipedia.org/wiki/Absolute_pitch