Perfect Pitch – Cảm âm là gì? Tại sao lại cần thiết trong thanh nhạc?
Perfect Pitch – Cảm âm là gì?
Khả năng cảm âm (perfect/absolute pitch và relative pitch) được hiểu đơn giản là khả năng của một người không cần bất cứ nhạc cụ hay nốt cột mốc nào, họ vẫn có thể xác định cao độ nốt bất kì khi nghe, và hát hoặc đàn lại chính xác cao độ của nốt đó.
Trong khi perfect pitch (khả năng cảm âm tuyệt đối) gần như là tài năng bẩm sinh của mỗi người, với tỉ lệ chỉ khoảng 1/10,000 người có được; relative pitch (khả năng cảm âm tương đối) lại có thể tập được bằng phương pháp ear-training, ai cũng có thể làm được với kha khá thời gian dành để luyện tập.
Để mô tả thêm vì sao perfect pitch được xem như một tài năng “thần thánh” đến vậy, hãy tưởng tượng một ngày bạn nghe tiếng chuông báo thức reo lên, lập tức biết ngay đó là nốt Fa thăng! Hay một cơn gió rít qua cửa sổ bạn liền nghe được cao độ và tên nốt chính xác là gì. Đáng sợ ha? Mà cũng ngầu chứ.
Vậy thì, làm sao để bạn có được khả năng cảm âm “thần thánh” đó?
Dù rất nhiều người tin rằng cảm âm tuyệt đối hoàn toàn bẩm sinh, chỉ những “thần đồng” âm nhạc mới có được như Mozart, Beethoven, Chopin, Mariah Carey, Michael Jackson… khả năng này hoàn toàn có thể luyện tập được ngay cả đối với người lớn.
Cảm âm có phải hoàn toàn “bẩm sinh”?
Một nghiên cứu tại Đại học Chicago ở Mỹ vài năm trước đây từng thử nghiệm trên một nhóm sinh viên. Các sinh viên này được tiếp xúc với nhiều trải nghiệm âm nhạc khác nhau (học đàn, hát…) trước và sau khi luyện tập khả năng cảm âm, để so sánh sự khác nhau và cải thiện.
Kết quả cho thấy chỉ sau vài tháng luyện tập, nhóm sinh viên này có được khả năng cảm âm cực kì tuyệt vời, tốt hơn rất nhiều so với thời gian đầu. Họ đã có thể đàn hoặc hát lại đúng nốt nhạc được yêu cầu mà không cần bất kỳ nốt tham khảo nào khác.
Thế nên, với sự luyện tập bài bản, áp dụng những phương pháp như ear-training, sight-reading, người lớn vẫn có thể có được cảm âm tuyệt đối. Nếu cảm thấy thích việc có được khả năng này, bạn sẽ cần dành rất nhiều thời gian luyện tập, kiên trì cho đến khi thấy được kết quả, bạn sẽ không hề hối hận đâu.
Tại sao cảm âm lại cần thiết khi học thanh nhạc?
Nếu đã từng tham gia vào những buổi hát karaoke, hay chỉ là nghe hàng xóm hát karaoke, bạn chắc chắn sẽ bắt gặp những người hát “bất chấp”. Bất chấp tông, nhạc, nhịp, nốt và cứ thế mà hát. Dù có giải thích về cao độ thế nào họ cũng cảm thấy khó nắm bắt được.
Điều này chứng minh tầm quan trọng của cảm âm. Với khả năng này, có thể chỉ cần nghe đoạn nhạc mở đầu mà thậm chí bạn chưa từng biết qua bài hát, bạn vẫn có thể đoán ra được nốt đầu tiên sẽ là gì. Hoặc bạn có thể hát chính xác cao độ từng câu hát mà không một chút ngần ngại.
Với trình độ nâng cao hơn, khi bạn có thể chơi kết hợp nhiều nhạc cụ khác hoặc cơ bản biết cách đọc nốt trong bản nhạc. Lúc này, bạn sẽ dễ dàng dùng khả năng cảm âm của mình, nhìn trực tiếp vào sheet nhạc và hát đúng từng nốt được viết trên giấy (còn được gọi là sight-reading). Thật tuyệt vời đúng không?
Tóm lại
Sở hữu khả năng cảm âm là điều hoàn toàn có thể. Và bạn sẽ cần dành kha khá thời gian cho âm nhạc để dần “cảm” được. Kèm theo đó, việc luyện tập thêm các nhạc cụ khác trong quá trình học thanh nhạc sẽ giúp ích cho bạn rất nhiều. Chúng sẽ bổ trợ lẫn nhau để bạn dần đạt được trình độ hoàn thiện nhất.
Tìm hiểu thêm Khóa học thanh nhạc tại SEAMI
Xem thêm:
- Khóa học Piano
- Khóa học Guitar
- Và đa dạng các môn học khác nữa tại trang web của SEAMI
Hãy đăng ký để được tư vấn ngay khóa học phù hợp, gọi đến Hotline (028)7.30.30.369 hoặc nhắn tin cho SEAMI tại fanpage SEAMI – SEA Music Institute nhé!
Sưu tầm & Biên tập bởi MTran