Top 5 bài luyện thanh giúp bạn tự cải thiện giọng hát

Tháng 03,2024/ by Diệp Lam 0

Ca hát là một hoạt động âm nhạc và giải trí đơn giản, được nhiều người yêu thích. Nếu bạn mong muốn tập các bài luyện thanh để tự cải thiện giọng hát của mình, bạn có thể tham khảo một số bài tập phổ biến mà SEAMI sắp gợi ý dưới đây. 

Một số bài luyện thanh bên dưới sẽ cần sự hỗ trợ từ piano để đạt được hiệu quả tốt nhất, nhưng cũng có một số bài bạn có thể tự tập luyện tại bất kì nơi nào. Vì vậy, bạn có thể cân nhắc và tìm hiểu thêm để lựa chọn những bài luyện thanh phù hợp với bản thân nhất, bạn nhé!

1. Rung môi 

Đây có thể là một bài tập khá “kì lạ” nếu bạn chưa quen hoặc chưa bao giờ tập qua. Để dễ hình dung, bài luyện thanh này tương tự như trò “phun mưa” của những em bé: dùng hơi để làm cho đôi môi rung lên. 

Bản chất của bài tập này là dùng hơi để làm môi rung, không phải cử động môi. Vì vậy, nó sẽ có tác dụng giúp hơi thở của bạn mạnh và sâu hơn. 

Ở bước đầu, bạn có thể chỉ cần tập trung làm thế nào để có thể khiến môi rung lên, như cố gắng lấy hơi sâu và đẩy hơi ra mạnh nhất có thể. Sau khi quen dần, bạn hãy bắt đầu đặt ra một thử thách mới, là làm sao cho môi rung đều và lâu nhất có thể. Để làm được điều này, bạn không chỉ cần lấy hơi sâu và đẩy hơi ra mạnh, mà còn phải kiểm soát được làn hơi mà mình đẩy ra. 

Bài tập rung môi sẽ giúp bạn kiểm soát hơi thở tốt hơn, cải thiện âm sắc cũng như mở rộng quãng giọng. Bạn có thể tập bài luyện thanh này ngay trước khi bắt đầu buổi học thanh nhạc để làm ấm các cơ của mình.

2. Xướng âm theo gam

Nói đơn giản, ở bài luyện thanh này, bạn sẽ hát lần lượt các nốt nhạc theo gam từ thấp lên cao và ngược lại. Ví dụ, bạn có thể bắt đầu từ Đô – Rê – Mi – …- La – Si – Đô – … và ngược lại. Sau đó, bạn có thể tăng cao độ lên gam D: Rê – Mi – Fa# – … – Si – Đô# – Rê – …

Bạn có thể bắt đầu từ nốt thấp nhất mà mình có thể hát được và dừng lại ở nốt cao nhất trong quãng giọng của mình.

Bài tập này không chỉ giúp bạn khởi động, làm ấm giọng, mà còn có ích cho khả năng của bạn. Bạn sẽ hát các nốt nhạc chuẩn cao độ hơn, cũng như cảm nhận được cao độ của các nốt nhạc chính xác hơn.

Để bài tập này được hiệu quả nhất có thể, bạn hãy nhờ một người bạn hoặc thầy cô đánh các nốt nhạc trên đàn piano để hát theo. Như vậy, bạn sẽ đảm bảo mình đang hát đúng cao độ. 

3. Luyện hát các nguyên âm với phụ âm “m”

Ghép các nguyên âm với phụ âm “m”, bạn sẽ có được các từ: Mi – Mê – Ma – Mô – Mu. Có khá nhiều mẫu luyện thanh có thể áp dụng cho bài tập này.

Một trong những mẫu phổ biến nhất là giữ nguyên cao độ của các chữ, hát liên tục Mi – Mê – Ma – Mô – Mu bằng một hơi, sau đó tăng dần cao độ lên. 

Bài tập thứ hai là hát từ chữ theo giai điệu ba nốt liên tục và nảy (staccato) ở nốt cuối cùng: hát “Mì – i – í” tương ứng với Đồ Rê Mi (hát nảy hơn ở nốt Mi), tăng cao độ lên Mi – Fa – Sol, sau đó hạ xuống Son – Fa – Mi, Mi – Rê – Đô. Lặp lại tương tự với các chữ Mê – Ma – Mô – Mu còn lại. Bài tập này không chỉ giúp bạn kiểm soát hơi dài và đều, mà còn giúp bạn linh hoạt điều khiển cách bật hơi mạnh ở những chỗ cần thiết.

Ngoài ra, bạn có thể tìm hiểu thêm nhiều bài luyện thanh tương tự với các nguyên âm.

4. Giả tiếng còi xe cứu hoả

Cũng như bài luyện thanh 1, bài tập này có vẻ giống với trò chơi của trẻ con nhưng lại có tác động không hề nhỏ với giọng hát của bạn. Đúng như tên gọi, để thực hiện bài luyện thanh này, bạn chỉ cần bắt chước tiếng xe cứu hoả.

Bạn có thể bắt đầu với cao độ nào phù hợp với mình nhất, sau đó linh hoạt tăng lên hoặc giảm xuống để mở rộng quãng giọng. Đây có thể được coi là bài luyện thanh đơn giản nhất để bạn có thể bắt đầu một buổi tập luyện của mình.

5. Thổi nến 

Đây cũng là một bài luyện thanh về hơi, và điều đặc biệt là bạn không cần phải phát ra bất kì tiếng động nào. 

Để thực hiện bài luyện thanh này, hãy tưởng tượng trước mặt bạn hiện có một cây nến đang cháy. Nhiệm vụ của bạn là đẩy hơi ra khỏi miệng về phía cây nến ấy nhưng phải duy trì cột hơi thật đều để không làm cây nến tắt.

Có hai nhiệm vụ quan trọng mà bạn phải thực hiện được trong bài tập này, đó là lấy hơi thật sâu sau đó thở ra thật đều và dài. Vì vậy, bài luyện thanh này sẽ giúp cột hơi của bạn được dài, vững, ổn định và giúp bạn kiểm soát hơi tốt hơn.

Các bài luyện thanh phổ biến

Các bài luyện thanh phổ biến

Hy vọng những bài luyện thanh trên sẽ giúp bạn phần nào cải thiện giọng hát của mình. Để có được kết quả tốt nhất, bạn cần duy trì việc tập luyện hàng ngày, cũng như luôn nhớ khởi động giọng hát của mình bằng các bài tập nhỏ trước khi trình diễn hay tập hát. 

Nếu bạn mong muốn tìm thầy cô đồng hành cùng mình trên hành trình học thanh nhạc, bạn có thể tham khảo khoá học thanh nhạc tại SEAMI với nhiều lựa chọn: học từ xa, học online, cấp tốc, chuyên sâu,…

Đừng quên đặt câu hỏi tại mục Hỏi đáp để các thầy cô từ SEAMI có thể hỗ trợ giải đáp nhé!