Cách thiết kế phòng thu âm tại nhà

Tháng 03,2024/ by Diệp Lam 0

Ngày nay, cùng với sự phổ biến của các bộ môn âm nhạc, những người yêu nhạc và học nhạc cũng có nhu cầu đáng kể trong việc thu âm sản phẩm âm nhạc của chính mình. Tuy nhiên, vì nhiều lí do về thời gian và tài chính, nhiều người có thể không thật sự mong muốn đến các phòng thu chuyên nghiệp để thu âm mà ưu tiên lựa chọn thiết kế phòng thu âm tại nhà. 

Hiểu được mong muốn đó, hôm nay, SEAMI sẽ mang đến một số thông tin về thiết kế phòng thu âm mini tại nhà, giúp đáp ứng nhu cầu tự ghi lại các sản phẩm âm nhạc của bạn. 

Cách thiết kế phòng thu âm tại nhà

Cách thiết kế phòng thu âm tại nhà

1. Cần chuẩn bị những gì để bắt đầu thiết kế phòng thu âm tại nhà?

Tuỳ vào mức độ cần sử dụng mà một phòng thu âm tại nhà sẽ cần có một số yêu cầu nhất định. Cơ bản nhất, bạn cần một căn phòng có diện tích đủ lớn cho một chiếc bàn làm việc cùng các thiết bị thu âm như micro và loa. Một số đặc điểm khác mà căn phòng này cần có như: ít tiếng ồn nhất có thể (hạn chế những phòng sát mặt đường, phòng có cửa sổ hở, phòng ở gần những nơi ồn ào), ít hoặc không chứa những đồ dùng khác không liên quan đến việc thu âm, không có những đồ trang trí treo tường (vì có thể gây ra tạp âm khi thu âm),… Bạn cũng đừng quên dọn dẹp sạch sẽ sàn nhà và các khu vực khác để đảm bảo phòng gọn gàng trước khi bắt đầu setup phòng thu âm tại nhà của mình. 

Bên cạnh phòng trống, các thiết bị thu âm là những thứ cần thiết tiếp theo trong checklist setup phòng thu âm mini tại nhà. Danh sách các thiết bị này có thể khác nhau tuỳ nhu cầu, mục đích cũng như khả năng sử dụng của từng người. Tuy nhiên, các thiết bị bắt buộc phải có có thể kể đến là: máy tính, micro thu âm, MIDI controller và nhạc cụ (nếu có sử dụng), loa kiểm âm,…

2. Các bước cụ thể để setup phòng thu âm tại nhà như thế nào?

Sau khi đã chuẩn bị đầy đủ các thiết bị cần thiết, bạn có thể tiến hành setup phòng thu âm tại nhà của mình. Các bước setup phòng thu âm mini này có thể khác nhau tuỳ mỗi người. Sau đây là một gợi ý từ SEAMI mà bạn có thể tham khảo:

Bước 1: Dọn dẹp sạch sẽ và gọn gàng căn phòng sẽ được thiết kế làm phòng thu âm tại nhà. Chú ý tháo bỏ các đồ trang trí treo tường và các đồ đạc khác có thể gây tạp âm trong quá trình thu. Bạn cũng cần đảm bảo sàn nhà và tường sạch sẽ để dán thêm các tấm cách âm nếu cần.

Bước 2: Xem xét lắp đặt các dụng cụ tiêu âm nếu cần. Trong trường hợp phòng thu âm tại nhà của bạn nằm ở vị trí có nhiều tiếng ồn, hoặc phòng không cách âm, thì bạn phải sử dụng các dụng cụ để cách âm và tiêu âm cho phòng cũng như hạn chế âm thanh dội lại khi thu. 

Bước 3: Chọn loại phòng thu mà bạn muốn dựa theo nhu cầu cũng như tình hình phòng và dụng cụ thực tế. Thông thường, lựa chọn phù hợp hơn cho phòng thu âm tại nhà là loại SOLO: chỉ bao gồm 1 khu vực vừa thu âm vừa xử lý kĩ thuật.

Phòng thu âm MONO

Phòng thu âm MONO

Nhưng nếu bạn có điều kiện hơn về không gian và thiết bị, bạn cũng có thể thử setup phòng thu âm DUAL: có khu vực thu âm riêng, khu vực xử lý kĩ thuật riêng, giúp tăng chất lượng âm thanh thu vào cũng như tạo không gian tập trung tốt hơn khi thu. 

Phòng thu âm DUAL

Phòng thu âm DUAL

Bước 4: Xếp máy tính, bàn làm việc, thiết bị thu và loa vào các vị trí hợp lý. Bạn cần đảm bảo khu vực thu âm ở một vị trí đủ ổn định để không bị ảnh hưởng bởi các thiết bị xử lý kĩ thuật cũng như có thể tạo cho bản thân một tinh thần tập trung cao độ nhất khi đứng ở vị trí thu. 

Bước 5: Nối các thiết bị lại với nhau bằng dây dẫn. 

3. Một số lưu ý khi thiết kế và setup phòng thu âm tại nhà

Việc thiết kế và setup phòng thu âm mini tại nhà sẽ tuỳ thuộc vào nhu cầu, mục đích, điều kiện và khả năng của mỗi người. Vì vậy, bạn cần hiểu rõ mục đích của mình trước khi lên kế hoạch và quyết định mua các thiết bị cần thiết. 

Thậm chí, nếu bạn chỉ mong muốn thu âm tiếng hát hoặc tiếng nói một cách đơn giản, bạn có thể tận dụng smartphone cùng một số công nghệ xử lý AI. Một mẹo để thu âm bằng điện thoại hoặc tai nghe là dùng một chiếc khăn vải phủ lên phần micro. Việc này sẽ giúp giảm phần nào tạp âm khi thu. Dĩ nhiên, cách thu không chuyên này sẽ không thể đem lại chất lượng quá cao, nhưng vẫn có thể sử dụng được trong nhiều trường hợp. 

Để đảm bảo kiểm soát được chi phí cho phòng thu âm tại nhà của mình, bạn có thể lên sẵn một danh sách những vật dụng cần mua, sau đó tiến hành khảo sát các thương hiệu phù hợp. Ngày nay, không quá khó để có thể đọc hoặc xem review về các thiết bị nhạc cụ và điện tử, vì vậy bạn có thể dành thời gian nghiên cứu kĩ để lựa chọn được thiết bị phù hợp với bản thân.

Nếu bạn chưa quen với việc thu âm hoặc chưa quen sử dụng các phần mềm DAW (Digital Audio Workstation), có thể sẽ mất rất nhiều thời gian ban đầy để bạn làm quen, học cách sử dụng cũng như điều chỉnh các thiết bị để cho ra thành phẩm. Vì vậy, bạn nên chuẩn bị tinh thần và thời gian để bản thân có thể học, thử, sai và sửa sai. 

Nếu bạn có bất kì câu hỏi nào trong quá trình học nhạc, đừng ngần ngại đặt câu hỏi trong mục Hỏi đáp để thầy cô từ SEAMI có thể hỗ trợ giải đáp nhé!