Joe Hisaishi: Người đứng sau các bản nhạc bất hủ của Ghibli Studio
Joe Hisaishi: Người đứng sau các bản nhạc bất hủ của Ghibli Studio
Nếu bạn là fan hâm mộ của các bộ phim anime xứ sở hoa anh đào thì chắc chắn đã từng nghe qua nhạc của Joe Hisaishi ít nhất một lần. Ông là nhà soạn nhạc của hơn 100 tác phẩm soundtracks cho các bộ phim và đặc biệt là sự gắn bó với những tác phẩm anime của hoạ sĩ phim hoạt hình Miyazaki Hayao.
Joe Hisaishi trong ấn tượng của những người yêu âm nhạc là hình ảnh một người nhạc trưởng chỉ huy dàn nhạc vô cùng hoành tráng đắm chìm trong không gian âm nhạc “xuất thần”. Joe Hisaishi có tên thật là Mamoru Fujisawa, sinh ngày 6 tháng 12 năm 1950, ông lớn lên ở Nakano, Nagano, Nhật Bản. Từ nhỏ ông đã theo học violin và bộc lộ niềm say mê với âm nhạc từ đó. Ông theo học trường Cao đẳng âm nhạc Kunitachi ngành sáng tác, vào khoảng thời gian đó ông cũng cộng tác với một số nghệ sĩ nhạc làm công việc ghi chép nhạc và công việc này đã tạo nên sự ảnh hưởng không ít với thành công sau này của ông.
Nguồn: Amazon.com
Năm 1974, ông viết nhạc lần đầu tiên cho bộ phim hoạt hình ngắn có tên Gyatoruzu, bên cạnh đó Joe còn viết nhạc cho phim Academy of Ninja và A Full Throttle. Thế nhưng tên tuổi của Joe tại thời điểm này vẫn chưa nổi bật, chỉ khi ông đồng hành cùng Miyazaki Hayao, đứng sau các sáng tác âm nhạc của vị hoạ sĩ này thì mọi người mới bắt đầu biết nhiều đến ông. Phong cách âm nhạc của Joe Hisaishi là sự hoà trộn giữa nhạc cổ điển Châu Âu, âm nhạc dân gian Nhật Bản, nhạc khí điện tử và minimalist (một thể loại nhạc đường phố Mỹ).
Ông sử dụng chất liệu từ các phong cách nhạc khác nhau, kết hợp chúng lại chặt chẽ để tạo nên bản nhạc hoàn hảo. Đặc biệt ông phát triển âm nhạc của mình từ những ý tưởng trong nhạc minimalist nhưng không giữ theo nguyên bản mà hướng chúng đến màu nhạc giao hưởng để trình diễn trong không gian thính phòng. Năm 1983 là năm đánh dấu sự gặp gỡ “định mệnh” của Joe Hisaishi và Miyazaki Hayao khi Joe được mời đến thu âm cho nhạc phim Nausicaä of the Valley of the Wind (Công chúa của thung lũng gió). Kể từ đó họ trở thành đôi bạn thân thiết cùng làm việc với nhau trong nhiều dự án.
Joe đã viết nhạc cho tất cả các bộ phim của Miyazaki Hayao bao gồm: Princess Mononoke (1997), Nausicaä of the Valley of the Wind (1984), My Neighbor Totoro (1988), How’s moving caslte (2004)… ngoài ra ông còn viết nhạc cho nhà sản xuất phim Takeshi Kitano: Doll (2002), Sonatine (1993), Kids Return (1996), Hana-bi (1997), Kikujiro (1999) và viết nhạc cho bộ phim được giải của Viện hàn lâm Departures và I’d rather be a Shellfish. Với những đóng góp trên, Joe Hisaishi được trao tặng Huân chương danh giá màu tím, huân chương này dành cho những người có cống hiến lớn trong nghệ thuật hoàng gia.
Quay trở lại vấn đề sự thành công của các bộ phim của Ghibli luôn ẩn sau nó dấu ấn nhà soạn nhạc tài ba này, các bạn sẽ thấy dường như khi nhắc đến Ghibli thì người ta sẽ nghĩ ngay đến phong cách âm nhạc đặc trưng mà chỉ có riêng các bộ phim hoạt hình của Ghibli mới có, và phong cách đó chính là phong cách của nhạc sĩ Joe. Các bản nhạc trong phim hoạt hình đều mang âm hưởng êm dịu, mộc mạc với âm thanh của những loại nhạc cụ đan xen và chính điều này đã mang lại sự kết hợp “ăn ý” những với nét vẽ thủ công của Ghibli lúc bấy giờ.
Lấy ví dụ các bản nhạc trong phim My Neighbor Totoro, người nghe sẽ nhận ra nét cổ điển trong đó, phong cách âm nhạc của Hisaishi mang dấu ấn thể loại cổ điển, các ca khúc có thể được trình diễn trong không gian thính phòng bằng các loại nhạc cụ chuyên trình diễn nhạc cổ điển (piano, flute, violin) tuy nhiên để ý kĩ thì bạn sẽ nghe thấy chất nhạc dân gian truyền thống của Nhật Bản đấy.
Nguồn: http://www.gablescinema.com
Chất liệu nhạc dân gian Nhật Bản được Hisaishi giữ gìn, đưa vào các sáng tác như một “chữ ký” riêng về nguồn gốc của ông, của nhạc phim và cả bộ phim. Nếu các ca khúc trong phim của Disney luôn được chăm chút tỉ mỉ từ giai điệu đến người thể hiện ca khúc luôn là những danh ca lừng danh (Elton John, Mariah Carey, Phil Collins…) thì ngược lại, các ca khúc của Joe lại ấn tượng và đi vào người nghe ở phần giai điệu không lời nhưng đủ chạm đến trái tim người nghe và thể hiện hết mặt cảm xúc trong từng phân đoạn của bộ phim. Hisaishi còn sử dụng chất liệu âm nhạc dành cho thiếu nhi và nhạc dân gian để tạo nên âm nhạc mang giai điệu đơn giản mà gần gũi đến công chúng, yếu tố này cực kì quan trọng để nội dung phim được truyền tải mượt mà đến người xem.
Kết lại, công trình âm nhạc kì cựu của Joe Hisaishi với những giá trị bất hủ đã và đang tồn tại mãi theo thời gian. Những giai điệu có tính biểu cảm cao đó sẽ gợi nhớ cho người nghe về khung cảnh phim hoạt hình từng gắn liền trong các bộ phim của Ghibli và tên tuổi của ông sẽ mãi hiện diện bên cạnh thành công của các bộ phim chấp bút bởi “xưởng” Ghibli.
Người viết: Nguyễn Oanh
Nguồn tham khảo:
http://www.kmfa.org/pages/1741-the-extraordinary-scoring-methods-of-studio-ghibli