Học đàn guitar theo phương pháp F. Carulli

Tháng 12,2023/ by Tony Tuan 0

Học đàn guitar thì có nhiều phương pháp và nhiều cách luyện tập khác nhau nhưng SEAMI chắc rằng hầu hết các bạn theo học đàn guitar cổ điển đã nghe qua cái tên “Carulli”. Vậy “Carulli” là gì? Tại sao những người học guitar quy chuẩn luôn được giới thiệu về nó và khuyên là nên luyện tập theo phương pháp đó? Bài viết này sẽ giới thiệu đến các bạn phương pháp F. Carulli để chúng mình hiểu hơn về nó.

Carulli là tên của một cuốn giáo trình dành cho trường phái guitar cổ điển do nhà soạn nhạc F. Carulli biên soạn. Ông là người đã biến Paris trở thành trung tâm của guitar. Ngoài ra ông còn có công trong việc đưa cây đàn guitar trở thành nhạc cụ xứng tầm với piano, violin,… chứng minh nó có thể trình diễn độc tấu xuất sắc và có những kỹ thuật riêng biệt.

Cuốn giáo trình này phù hợp cả với những người muốn tự học guitar mà không biết bắt đầu từ đâu. Người ta hay gọi chung nó là phương pháp Carulli, phương pháp học đàn guitar cổ điển. Giáo trình này gồm có các phần nhạc lý, phần luyện tập âm giai, phần luyện tập tiểu phẩm, phần luyện tập kỹ thuật nâng cao và các tiểu phẩm luyện tập nâng cao, sau cùng là phần chuyên luyện tổng hợp các tác phẩm hoàn chỉnh kết hợp với các kỹ thuật luyện ngón rất tốt.

Carulli được xem là nơi tổng hợp các bài tập luyện ngón và kỹ thuật rất hiệu quả. Chúng ta đều biết tập đàn guitar cần có sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa tay trái và tay phải, giữa các ngón tay với những thứ tự móc dây và xếp ngón khác nhau. Carulli có những bài tập luyện ngón đi từ dễ đến khó, từ cơ bản đến nâng cao và áp dụng ngay vào những bài tiểu phẩm có trong đó. Sau những bài tập nhỏ từng bước từng bước theo sự hướng dẫn trong giáo trình bạn sẽ cảm nhận thấy sự tiến triển rõ rệt trong cách đàn của mình, các cử động ngón tay sẽ mềm mại hơn và linh hoạt hơn rất nhiều.

Hơn nữa trường phái guitar cổ điển chủ yếu về kỹ thuật chạy ngón, rải đối với tay phải và kỹ thuật barre (chặn nhiều dây), luyến đối với tay trái, trong lúc độc tấu, kỹ thuật gảy bàn tay phải hầu như áp dụng lên cả bài nhạc, nó tạo ra âm thanh và giai điệu cho toàn bài. Vì lẽ đó mà việc luyện ngón kĩ lưỡng là rất cần thiết với người chọn chơi guitar cổ điển, khi tập luyện ngón với Carulli, ngón cái (p), ngón trỏ (i), ngón giữa (m), ngón áp út (a) của bạn sẽ được thực hành với nhiều cách chạy ngón cũng như tốc độ sẽ tăng lên dần qua những bài sau. Kỹ thuật luyến cũng được trình bày trong sách giúp người học luyện tập chơi những nốt hoa mỹ trong bản nhạc giúp tăng cường cảm xúc trong câu nhạc. Sự bấm (giữ nốt) hay thả các nốt (ngắt âm) cũng được đề cập trong sách giúp người học luyện tập sức mạnh cho các ngón tay trái.

Chúng ta vẫn hay thấy người chơi guitar cổ điển xếp ngón bấm bên bàn tay trái rất đẹp và logic. Tại sao họ làm được như vậy? Đó chính là nhờ thói quen luyện ngón với cả tay trái và tay phải đấy. Thông qua các bài tập ngón có ghi sẵn cách xếp ngón, người học sẽ được làm quen với sự sắp đặt các ngón tay một cách chặt chẽ từ đó tạo nên thói quen xếp ngón bấm sao cho hợp lí nhất thuận tiện cho việc di chuyển trên cần đàn cũng như hạn chế “công” di chuyển ngón để sắp một thế bấm mới làm tốn thời gian khi đàn các bản nhạc cần đạt tốc độ nhanh.

Khi người chơi guitar luyện tập thành thạo với hai bàn tay trái và phải thì việc chơi một bản nhạc cổ điển với các câu chạy tốc độ nhanh hay luyến láy nốt nhạc không còn là vấn đề nữa, người chơi sẽ nhận thấy các ngón tay trái bấm có lực hơn, biết giữ nốt ngân vang hơn hay thả các nốt (ngắt âm) theo đúng yêu cầu của bản nhạc. Lúc này, bạn có thể thử sức với các bài độc tấu mà Carulli gợi ý từ thể loại đơn giản đến các bài chuyên luyện gồm các kĩ thuật nâng cao hơn.

Càng chơi nhiều bản nhạc đòi hỏi bạn phải tích luỹ đủ kiến thức, kỹ thuật đàn để đàn được những bản khó hơn Bạn cũng đừng nghĩ rằng chỉ những ai theo guitar cổ điển mới cần luyện ngón, kỹ thuật finger style hay đệm hát trên guitar vẫn cần sự nhuần nhuyễn giữa hai bàn tay, đặc biệt là các ngón tay và Carulli thích hợp dùng chung cho mục đích ấy.

Người viết: Nguyễn Oanh