Trò chơi âm nhạc cho bé
Giáo dục trẻ nhỏ không chỉ gói gọn trong việc dạy và học kiến thức văn hoá trên lớp mà ngày nay còn bao gồm cả giáo dục âm nhạc. Âm nhạc đã trở thành món ăn tinh thần không thể thiếu của con người, nó đã được chứng minh là một bộ môn quan trọng và có sự tác động nhất định đến sự phát triển trí não, thể chất và nhân cách của trẻ nhỏ. Nếu bạn đang tìm những trò chơi âm nhạc hấp dẫn cho bé thì hãy tham khảo ngay bài viết này nhé !
Đối với trẻ ở độ tuổi mầm non
Với những trẻ ở lứa tuổi này, trò chơi chỉ cần đơn giản, không cần những luật chơi phức tạp. Bạn hãy sưu tầm những bài hát mang giai điệu tươi vui, sôi động, có chủ đề phù hợp với trẻ em.
Cách 1: Bật nhạc lên và cho trẻ tập hát theo, vừa hát vừa vỗ tay theo điệu nhạc hoặc cho các bé đi thành vòng tròn nối đuôi nhau.
Cách 2: Cho trẻ nhảy múa, tập các bài tập nhịp điệu, thể dục nhịp điệu theo bài hát.
Cách 3: Thử tài trí nhớ của trẻ bằng cách phát một đoạn nhạc rồi dừng đột ngột, hãy hỏi các bé về phần từ tiếp theo của bài hát.
Bạn nhớ chuẩn bị những phần quà nhỏ như kẹo, bánh, hoa điểm mười… để khích lệ tinh thần tham gia trò chơi của các bé nhé !
Đối với trẻ từ 5 – 6 tuổi
Nguồn: www.lamchame.com
1/ Trò chơi lắng nghe tìm đồ vật
Bạn cho các bé ngồi thành vòng tròn và chọn ra 1 bé làm người chơi tìm đồ vật. Cho khi bé kia ra khỏi lớp chờ các bạn giấu đồ vật. Khi cả lớp hát thì bé đó sẽ bước vào đi men theo vị trí các bạn và bắt đầu nghe theo âm lượng tiếng hát để tìm đồ vật. Nếu bé đó đến gần vị trí cất giấu đồ vật thì cả lớp sẽ hát to lên, ngược lại, nếu xa vị trí cất giấu thì tiếng hát sẽ nhỏ. Trò chơi kết thúc nếu người chơi chỉ ra được vị trí người bạn cất giấu đồ vật thì sẽ được kẹo và cả lớp hoan hô, còn thua thì phải nhảy lò cò hoặc thụt xì dầu. Trẻ bị người chơi phát hiện ra phải làm người chơi tiếp theo.
2/ Hát theo hình vẽ
Bạn sẽ chuẩn bị những bức tranh mô phỏng các chủ đề: thiên nhiên, 4 mùa, con vật, đồ vật… Bạn treo 1 tranh lên bảng và hỏi xem bé nào có thể hát bài hát liên quan đến chủ đề của bức tranh. Nếu bé hát đúng hoặc gần đúng sẽ được lớp vỗ tay hoan hô.
Ví dụ: Tranh vẽ hình mùa xuân → Bé hát bài “Sắp đến Tết rồi”
Tranh vẽ hình con mèo → Bé hát bài “Rửa mặt như mèo”
3/ Tiếng đàn của cô
Đây là trò chơi mang sự suy luận cao cho trẻ, buộc trẻ phải tập trung chú ý để đoán ra tên gọi của các nốt nhạc mà cô đánh đàn. Nhiệm vụ của cô là cho các bé xoay lưng lại, cùng lắng nghe nốt nhạc mà cô vừa đàn. Bạn có thể tăng độ khó bằng cách hỏi bé thêm về cao độ của nốt nhạc (ví dụ: nốt Đô thấp – nốt Đô cao). Bé nào đoán trúng sẽ được thưởng kẹo, bánh và cả lớp vỗ tay hoan hô.
Ở SEAMI tất cả các học viên nhí đều được giải trí bằng trò chơi này: nghe tiếng đàn đoán nốt, đoán hợp âm và nghe tiếng đàn để ký âm tiết tấu bằng những kí hiệu ngộ nghĩnh (trái tim, ngôi sao,…). Các thầy cô linh hoạt trong trò chơi bằng cách cho trẻ nghe tiếng đàn trên nhiều loại nhạc cụ (guitar thùng, guitar điện, piano). Điều này mang lại tâm trạng thích thú cho các học viên nhí khi vừa học – vừa chơi lại vô cùng hiệu quả.
Người viết: Nguyễn Oanh