Tật tập hấp tấp – Mối nguy cho việc tập luyện

Tháng 12,2023/ by Tony Tuan 0

Hấp tấp hay nhanh nhảu là con đường ngắn nhất dẫn đến thất bại khi học guitar! Thật vậy không ít người tập nhạc không có tính kiên trì, muốn học guitar cấp tốc. Tính kiên nhẫn không phải thể hiện ở việc bạn tập 10, 12 tiếng/ngày. Những con số ấy rất vô nghĩa và hư danh. Kiên nhẫn trong âm nhạc thể hiện ở tính kiểm soát nhịp đồng bộ với cử động cơ thể ở tốc độ chậm rãi đến nhanh trong khoảng thời gian dài. Nghe rất giống với tập thiền hay yoga dù thực là phải giống như vậy.

Tánh hấp tấp dẫn đến những mối nguy sau:

1. Loạn nhịp, không chắc nhịp

Không có gì tai hại hơn là loạn nhịp. Loạn nhịp xuất hiện cả ở những người đánh thường xuyên ở các quán café. Có những nhạc phẩm sử dụng nhiều nốt kép thì nhiều bạn đạp chân như đánh nốt đơn, còn qua các bài đảo phách thì bắt đầu đánh không vào đâu. Đây là tật hình thành do ngay từ đầu quá hấp tấp và ham đánh được bài mà không biết cách kìm hãm bản thân. Điều đáng tiếc là nhiều bạn bỏ qua cả việc đọc nốt nhạc mà sau này bị giới hạn rất nhiều về chuyên môn dù khả năng còn có thể phát triển.

2. Tập hoài không xong

Những bài dễ có thể xong ngay nhưng đến bài khó mà chúng ta tập quá nhanh sẽ xảy ra tình trạng tập chưa xong. Độ khó càng cao thì thời gian tập càng phải bỏ ra nhiều bởi ta cần phải đánh nhịp cho thật chính xác. Nếu không làm như vậy thì bài nhạc chẳng nghe giống và có khi ra bài nào khác.

3. Chán nản

Vì quá hấp tấp nên trong tâm thức tự tạo cho mình rằng mình sẽ vỡ bài trong thời gian ngắn. Trong khi để hoàn chỉnh một bài cần phải có thời gian rất nhiều. Giống như việc chạy bộ vậy, không thể trong ngày đầu tiên ta chạy được quãng đường dài. Việc tạo thử thách cho bản thân không đúng cách có thể gây tác dụng ngược, tác động đến tâm lý thường nhật.

4. “Hư” tay

“Hư” tay tức là cả hai tay đều đã theo con đường sai quá lâu khi tự học guitar như ngón tay móc sai quá cơ bản hay tay trái móc đầy tật sai. Đây là hậu quả của việc tập hấp tấp mà rất nhiều bạn gặp phải. Một khi tay đã “hư” thì rất khó để có thể chỉnh lại vì đã theo lối mòn quá lâu.

5. Hình thành bệnh bắt chước

Không tập đọc bản nhạc, tập nhịp mà chỉ lo xem người ta đánh rồi bắt chước lại là một tai hại. Giả sử bạn có khả năng nhại lại tiết tấu đúng thì chẳng quá đáng lo lắng. Song nạn bắt chước mù quáng rất hay diễn ra. Bởi vì do cái tính hấp tấp mà thôi. Họ muốn đi theo con đường tắt mà không theo cách chính thống. Bạn nên tập tính phân tích nhịp khi quan sát người khác đánh. Điều này không những giúp bạn chắc nhịp mà còn thấu đáo bài nhạc.

Người viết: Nguyễn Đỗ Thành Nhân