Nguyên Lê – Nghệ sĩ Jazz với tâm hồn Việt Nam
Nguyên Lê – Nghệ sĩ Jazz với tâm hồn Việt Nam
Một dân tộc mất đi gốc văn hoá thì như kẻ ngu ngơ trong cộng đồng quốc tế. Thật vậy, thế kỷ công nghệ biến trái đất tròn thành một thế giới “phẳng” mà ai cũng có thể kết nối với nhau, thì mất đi văn hoá bản địa là một điều đau lòng. Âm nhạc truyền thống là một phần văn hoá của một dân tộc vì nó chứa đựng phong tục và dấu ấn của một quốc gia.
Giới thiệu âm nhạc truyền thống đến cộng đồng đã khó, khẳng định lại càng khó hơn. Có rất nhiều con người đã và đang cố gắng tạo những dấu ấn dân tộc Việt Nam trên trường quốc tế. Bài này SEAMI xin giới thiệu nghệ sĩ Pháp gốc Việt – Nguyên Lê.
Sinh trưởng tại Paris trong một gia đình Việt, ông bắt đầu học trống vào năm 15 tuổi sau đó học guitar và bass. Ông tốt nghiệp Thạc sĩ Triết học và Cử nhân Mỹ thuật tại Đại học Sorbonne Paris. Sau đó ông cống hiến cuộc đời mình cho âm nhạc. Từ năm 1987 – 1989, ông được Antoine Herve chọn để chơi trong Dàn nhạc Jazz quốc gia của Pháp.
Nguồn: http://musicshow.vn
Đặc điểm phong cách nhạc của ông đó chính là sự kết hợp màu sắc dân tộc đến từ các quốc gia khác nhau như Việt Nam, Ấn Độ, Nhật Bản, Thổ Nhĩ Kỳ,… cùng với nhạc Jazz. Trong số các album mà ông đã sản xuất thì album “Tales from Vietnam” là một điểm nhấn của sự nghiệp ông khi mà lần đầu tiên ông kết hợp với giọng ca Hương Thanh để làm một album chuyên về nhạc dân tộc Việt Nam. Cố G.S Trần Văn Khê đánh giá rất cao album này và cả Giáo sư và Nguyên Lê cũng từng kết hợp ngẫu hứng Jazz với nhau.
Chưa dừng lại ở đó, ông và nghệ sĩ Hương Thanh còn làm thêm 4 CD nữa về âm nhạc dân tộc. Vào thời điểm đó, tại Việt Nam việc đưa nhạc dân tộc đến với quốc tế rất khó khăn. Vì thế mà những đóng góp của Nguyên Lê là một điều đáng trân trọng. Tính đến thời điểm này, khi đứng trên sân khấu, Nguyên Lê dường như đại diện cho màu sắc Việt trong tập hợp các màu sắc của nhiều nước. Saiyuki là một ví dụ điển hình. Saiyuki là một ban nhạc tam tấu trong đó ông cùng với hai nghệ sĩ là Mieko Miyazaki từ Nhật Bản và Prabhu Edouard từ Ấn Độ tạo ra một không gian văn hoá vô cùng đặc sắc. Đó là một không gian không có rào cản trải dài từ Ấn Độ qua Việt Nam đến Nhật Bản.
Nguyên Lê được Pháp trao Huy chương Hiệp sĩ nghệ thuật và văn học cho việc quảng bá nhạc Jazz Pháp ra thế giới. Năm 2011, ông được nhận giải thưởng Django Reinhardt của Học viện Jazz. Năm 2013, ông kết hợp với Tùng Dương sản xuất ra album “Độc Đạo” và gần đây nhất là năm 2017, ông cùng nghệ sĩ dân tộc Ngô Hồng Quang tạo ra album thứ 16 của mình mang tên “Hà Nội Duo”.
Nguyên Lê nói rằng mặc dù được sinh tại Pháp nhưng chính mẹ ông đã nuôi dưỡng tâm hồn ông bằng những câu ru con của người Việt mình. Từ đây, ta nhận ra rằng gốc văn hoá có sức mạnh liên kết con người lại với nhau dù khác biệt về quốc gia và màu da. Vì thế, những bậc phụ huynh nên nhớ rằng hãy cho con mình nghe những âm thanh dân gian như nhựng câu vè để tạo ra một sự yêu thương dân tộc khi mà ngày nay chúng ta đang bị hoà tan bởi những dòng chảy âm nhạc nước ngoài.
Người viết: Nguyễn Đỗ Thành Nhân