Một số nhạc cụ Ấn Độ

Tháng 12,2023/ by Tony Tuan 0

Một số nhạc cụ Ấn Độ

Ấn Độ là một đất nước có chiều dài văn minh hơn 5000 năm lịch sử. Đất nước này là một sự đa dạng về tộc người, tôn giáo, văn hoá mà trong đó nghệ thuật âm nhạc có thể được xem là một trong số đỉnh cao của nhân loại. Vì lẽ này mà ngay cả George Harrison của nhóm the Beatles đã từng lặn lội qua đây để học âm nhạc truyền thống của họ. Nhạc cụ truyền thống Ấn Độ có nét đặc biệt riêng và rất đặc sắc. SEAMI xin giới thiệu cho bạn một số trong vô vàn nhạc cụ mà người Ấn sở hữu.

1. Tabla

Trống Tabla là loại trống đôi với hai hình nhỏ và lớn. Trống phải là trống chính hình trụ có các dây kéo căng da mặt trống; trống trái là trống phụ với hình dáng phình ra hơn ở phần giữa và có kích cỡ lớn hơn trống chính.

Hình 1. Trống Tabla (nguồn: www.artdrum.com)

Khi đánh trống, người nhạc công dùng cả hai tay. Họ có thể đánh bằng đầu ngón tay, các ngón tay, và cả bàn tay. Trống tabla không đơn thuần là tiếng tùm tắc mà nó còn có nhiều âm thanh khác nhau. Đơn cử là khi đánh trống trái, họ di chuyển cổ tay lên xuống để tạo ra nhiều âm thanh cho tiết tấu muốn thể hiện. Tiết tấu (rhythm) rất quan trọng với âm nhạc Ấn Độ.

2. Trống Dhapli

Trống Dhapli rất hay dùng trong nhạc Ấn Độ. Nó mang hình tròn với mặt trống làm bằng da hay nhựa. Viền trống sẽ gắn các xẻng nhỏ. Người nhạc ông sẽ sử dụng bàn tay với các ngón tay linh hoạt để đánh. Tương tự tabla, họ cũng dùng cổ tay chặn mặt trống kết hợp ngón tay để tạo ra các tiếng khác nhau.

Hình 2. Trống Dhapli (nguồn:Snapdeal)

3. Trống Dholak

Trống Dholak có hình dáng khá giống với trống cơm Việt Nam. Tuy nhiên điểm khác biệt đó là trống Dholak phình ra ở phần giữa trống. Phần lớn trống Dholak có hai mặt: mặt lớn ở bên trái và mặt nhỏ ở bên phải. Ở hai mặt trống đều được căng bởi các dây chằng. Ngày nay người ta có thể dùng các thanh kim loại để thay cho các dây chằng này. Kỹ thuật đánh trống khá tương đồng với hai loại trống trên. Âm thanh của trống khá sáng và tươi thích hợp cho các bài tiết tấu nhanh.

Hình 3 Trống Dholak (nguồn: academyofcreativeart.com)

4. Vòng chân Ghunghru

Trong múa Ấn Độ xuất hiện một nhạc cụ độc đáo đó chính là vòng chân Ghunghru. Đây là chiếc vòng mà các vũ công nữ đeo ở hai cổ chân để tạo ra tiếng lắc. Tiếng lắc này do chính các lục lạc gắn trên vòng. Những lục lạc này được làm bằng đồng và xếp theo một hàng 3 cái trên vòng. Khi múa người nghệ sĩ sẽ kết hợp với tiết tấu trống. Điều này rất hấp dẫn người xem vì khi nhạc công trống đánh những tiết tấu sôi động thì chân vũ công sẽ múa theo nhịp trống và tiếng lắc nghe rất vui tai.

Hình 4. Lắc Ghunghru (nguồn: moutal.edu)

5.  Đàn Sitar

Đàn Sitar là nhạc cụ truyền thống và cũng không thể thiếu khi chơi nhạc Ấn Độ. Đàn Sitar được làm bằng gỗ với phần thân đàn bầu ra ở phía sau, cần đàn dài và các phím lớn. Đàn Sitar có thể có 18, 19, 10 và 21 dây. Các phím đàn không như guitar là dính chặt vào cần đàn và ép chặt, mà lại cong lên chừa khoảng dưới. Như vậy đàn Sitar có cách tạo âm như một cây đàn phím lõm. Có cả thảy 7 dây ở trên phím và các dây còn lại ở dưới phím. Khi đánh, nhạc ông cân bằng thân đàn với chân trái và đầu gối chân phải. Tay không cần phải vịn để cân bằng nữa mà có thể di chuyển tự do. Tay phải gảy dây bằng phím sắt hay dùng móng tay. Nghệ sĩ đàn Sitar nổi tiếng nhất Ấn Độ đó chính là ngài Ravi Shankar.

Hình 5. Nghệ sĩ Ravi Shankar chơi đàn Sitar (nguồn: photoblog.nbcnews.com)

Ngày nay, với sự du nhập của nhiều nhạc cụ của phương Tây, âm nhạc Ấn Độ có những thay đổi đáng kể. Các nhạc cụ truyền thống nay có thêm hệ thống khuếch đại âm thanh nhằm tăng hiệu quả khi diễn (đàn Sitar truyền thống cải tiến thành đàn Sitar điện tử). Ngoài bộ trống truyền thống, nghệ sĩ Ấn Độ còn thêm bộ trống Jazz Tây Phương, bộ trống điện tử,… Nay còn xuất hiện thêm cả đàn violin hay cây đàn keyboard. Đặc biệt trong nhạc Bollywood, hiện tượng hiện đại hoá âm nhạc xảy ra rất nhiều. Có khi họ loại bỏ hết các nhạc cụ truyền thống và thay bằng nhạc điện tử (eletronic music hay electronic dance music).

Người viết: Nhân Nguyễn