Gam/âm giai: trưởng & thứ

Tháng 09,2024/ by Diệp Lam 0

Gam/âm giai là một trong những khái niệm quen thuộc bậc nhất trong âm nhạc, được ứng dụng nhiều trong suốt quá trình học nhạc. Nếu bạn vẫn còn chưa rõ về khái niệm này, cũng như muốn tìm hiểu kĩ hơn về gam & âm giai trưởng, thứ, chromatic, ngũ cung,… thì hãy cùng SEAMI tham khảo bài viết này nhé!

Gam/Âm giai là gì?

Gam hay Âm giai là một chuỗi các nốt nhạc được sắp xếp theo thứ tự tăng hoặc giảm dần, theo một số quy luật nhất định. 

Trong âm nhạc, bạn có thể dễ dàng bắt gặp các loại âm giai sau:

  • Diatonic scale: Âm giai có 7 nốt trong đó có chứa âm giai trưởng và thứ
  • Major scale: Âm giai trưởng có 7 nốt
  • Minor scale: Âm giai thứ có 7 nốt
  • Pentatonic scale: Âm giai ngũ cung chỉ có 5 nốt
  • Chromatic scale: Âm giai gồm các nốt cách nhau nửa cung (chromatic)

Trong đó, hai loại âm giai cơ bản và thường gặp nhất là Major scale (Âm giai trưởng) và Minor scale (Âm giai thứ). Mỗi loại âm giai sẽ được cấu thành từ các cung và nửa cung (*) được sắp xếp theo thứ tự nhất định. 

(*) Cung và nửa cung là khoảng cách giữa các nốt nhạc. Trên đàn piano, hai phím đen – trắng nằm liền kề nhau tạo thành một nửa cung. Hai nửa cung sẽ tạo thành một cung. 

Âm giai trưởng & thứ là gì?

Âm giai trưởng

Âm giai trưởng là âm giai được cấu tạo từ chủ âm cộng với các nốt nhạc đi lên theo thứ tự sau:

Chủ âm -> 1 cung -> 1 cung -> 1/2 cung -> 1 cung -> 1 cung -> 1 cung -> 1/2 cung 

Theo quy tắc trên, ta có thể xác định được bất kì âm giai trưởng nào. Ví dụ với âm giai Đô trưởng, ta có chủ âm là Đô. Từ Đô lên 1 cung ta sẽ được nốt thứ 2 trong âm giai là Rê. Tiếp tục cho đến hết, ta sẽ có âm giai Đô trưởng hoàn chỉnh gồm 7 nốt: 

Đô – Rê – Mi – Fa – Sol – La – Si

Tương tự với âm giai Sol Trưởng, với chủ âm là Sol, ta sẽ có:

Sol – La – Si – Đô – Rê – Fa thăng – Sol

Âm giai Đô trưởng

Âm giai Đô trưởng

Âm giai thứ

Tương tự như âm giai trưởng, âm giai thứ cũng được tạo thành từ tổ hợp các nốt bắt đầu từ chủ âm và đi lên theo quy tắc, cụ thể:

Chủ âm -> 1 cung -> 1/2 cung -> 1 cung -> 1 cung -> 1/2 cung -> 1 cung -> 1 cung

Từ đó, ta có thể xác định được một số âm giai thứ như:

Âm giai La thứ bắt đầu với chủ âm La, bao gồm các nốt: La – Si – Đô – Rê – Mi – Fa – Sol – La 

Âm giai La thứ

Âm giai La thứ

Âm giai song song

Ta có thể nhận thấy từ 2 ví dụ trên về âm giai trưởng và âm giai thứ một điểm đặc biệt, đó chính là âm giai Đô trưởng và La thứ có cùng tổ hợp các nốt, chỉ khác nhau về cách sắp xếp.

Những cặp âm giai trưởng – thứ có đặc điểm tương tự được gọi là cặp âm giai song song. Ở đó, các nốt xuất hiện trong cặp âm giai trưởng – thứ này sẽ giống y như nhau, nhưng sẽ có thứ tự sắp xếp khác nhau. Một số cặp âm giai song song thường gặp khác có thể kể đến như:

Rê trưởng (D) – Si thứ (Bm)

Mi trưởng (E) – Đô thăng thứ (C#m)

Fa trưởng (F) – Rê thứ (Dm)

Sol trưởng (G) – Mi thứ (Em)

….

Ứng dụng của âm giai

Từ các nốt có trong âm giai, cộng với quy tắc hình thành hợp âm, ta có thể xác định được một tổ hợp gồm những hợp âm xuất hiện trong từng âm giai. Nhờ vậy, khi xác định được một bài hát viết ở âm giai nào, bạn có thể xác định được các hợp âm có trong bài hát đó.

Để xác định một bài hát được viết ở âm giai hay giọng nào, trước tiên bạn cần có được các nốt giai điệu của bài hát đó. Nếu trong phần giai điệu của bài hát không xuất hiện bất kì dấu thăng/giáng nào, khả năng rất cao bài hát được viết ở giọng Đô trưởng, bao gồm các nốt & hợp âm thuộc âm giai Đô trưởng. Nếu có dấu thăng/giáng thì có thể tra cứu theo sơ đồ tóm tắt sau:

Sơ đồ tra cứu giọng của bài hát

Sơ đồ có thể dùng để tra cứu giọng của bài hát (Circle of Fifth)

Cách xem sơ đồ như sau: giả dụ bạn có một bài hát với giai điệu được xác định là có nốt Fa thăng và Đô thăng, thì nốt & hợp âm của bài hát khả năng cao thuộc âm giai Rê trưởng hoặc Si thứ. Để xác định chính xác trưởng – thứ, bạn cần nghe tính chất và âm điệu của bài hát, cũng như chú ý các nốt nằm ở vị trí kết thúc câu và kết thúc bài. Nếu bài hát mang màu sắc tươi sáng, có nốt kết thúc câu thường rơi vào Rê thì âm giai cần xác định là Rê trưởng. Ngược lại, nếu bài hát mang màu sắc u buồn, có nốt kết thúc câu là Si thì âm giai là Si thứ. 

Sau đó, bạn có thể tiến hành xác định các hợp âm được tạo nên từ các nốt trong âm giai Rê trưởng hoặc Si thứ, và tiến hành đặt các hợp âm vào vị trí phù hợp trong bài. Với các bạn mới bắt đầu làm quen với nhạc cụ & nhạc lý, nếu chưa có quá nhiều kiến thức để xác định chính xác hợp âm nào được đặt ở đâu, bạn có thể thực hiện bằng cách đặt hợp âm có chứa nốt giai điệu, từ đó nghe & chọn ra được đáp án phù hợp nhất cho từng đoạn nhạc.

Ngoài ứng dụng trong ca khúc, chạy gam cũng là một bài tập kĩ thuật quan trọng với các bạn học nhạc cụ, đặc biệt là piano. Không chỉ giúp ngón tay thuần thục, mà bài tập chạy gam còn giúp các học viên piano nhanh chóng thuộc các giọng cùng các dấu hoá hơn, tạo nền tảng vững chắc để tiếp tục học các kiến thức nhạc lý & kỹ thuật nâng cao. 

SEAMI hy vọng bài viết trên có thể giúp ích cho các bạn đang đi tìm câu trả lời cho Gam và âm giai: trưởng & thứ. Nếu có ý định tìm hiểu về các khoá học nhạc, đừng ngần ngại liên hệ SEAMI để được tư vấn nhé!