Cách đặt hợp âm cho một bài hát (Phần 1)
Hợp âm là gì? 1001 cách đặt hợp âm cho một bài hát (Phần 1)
Để có thể chơi được các loại nhạc cụ thành công ngoài việc học cách thực hành thì bạn cũng cần trang bị cho mình một số kiến thức cơ bản về lý thuyết và hợp âm là một trong những kiến thức âm nhạc quan trọng mà bạn không nên bỏ qua. Biết về hợp âm là một chuyện, nhưng biết được cách chọn hợp âm lại là một chuyện khác và điều này không hề đơn giản! Vậy hợp âm là gì? Cách đặt hợp âm cho một bài hát bất kì ra sao? Cùng SEAMI đi tìm câu trả lời trong bài viết dưới đây nhé!
Hợp âm là gì?
Hợp âm là tập hợp các âm thanh được sắp xếp theo một trật tự nhất định. Trong hát đệm hoặc làm nhạc nền ngoài điệu nhạc thì hợp âm chính là yếu tố chính để tạo ra một giai điệu. Hợp âm được tạo ra từ 3 hay nhiều nốt nhạc được vang lên cùng 1 lúc theo quy luật. Thông thường, một hợp âm được tạo thành từ hai hay nhiều quãng 3. Và 7 hợp âm tạo thành một hệ thống được gọi là Gam.
Cách đặt hợp âm cho một bài hát:
I. Khái niệm về âm giai và âm thể
Âm giai là một chuỗi 7 âm thanh nối tiếp nhau (theo dạng bậc thang), bạn có thể lấy bất cứ 1 nốt nhạc nào làm nốt nền và viết tiếp các nốt còn lại theo thứ tự từ thấp lên cao hoặc từ cao xuống thấp. Có tất cả 30 âm giai tự nhiên khác nhau gồm 15 âm giai thể trưởng và 15 âm giai thể thứ.
Ví dụ: Âm giai Đô trưởng gồm các nốt: Đô Rê Mi Fa Sol La Si Đô
Âm giai La thứ gồm các nốt: La Si Đô Rê Mi Fa Sol La
Khác với âm giai, âm thể là hình thức của âm giai nhưng không phải theo quy luật bậc thang bắt buộc của âm giai (từ thấp lên cao hoặc từ cao xuống thấp). Các nốt trong âm thể liên kết với nhau theo quy luật hòa âm. Vì thế chúng ta biết rằng bản nhạc được viết theo âm thể trưởng hoặc âm thể thứ chứ không phải là âm giai trưởng hoặc âm giai thứ.
Các nốt trong âm thể liên kết với nhau theo quy luật hòa âm
II. Thể của âm giai
Nếu khoảng cách giữa các nốt nhạc đúng với quy định sau thì 1 âm giai được gọi là âm giai trưởng:
1-1-1/2-1-1-1-1/2 (1 = 1 cung, 1/2 = nửa cung)
Bạn có thể lấy âm giai Đô trưởng để kiểm tra: Đô Rê Mi Fa Sol La Si Đô ta có;
Từ Đô=>Rê=1cung; Rê=>Mi=1cung; Mi=>Fa=1/2cung; Fa=>Sol=1cung; Sol=>La=1cung; La=>Si=1cung; Si=>Đô=1/2cung.
Tất cả âm giai trưởng tự nhiên đều đúng với khoảng cách này. Nếu khoảng cách giữa các nốt nhạc đúng với quy định sau thì 1 âm giai được gọi là âm giai thể thứ:
1-1/2-1-1-1/2-1-1 (1 = 1 cung, 1/2 = nửa cung)
Bạn có thể lấy âm giai La thứ để kiểm tra: (tương tự như với âm giai Đô trưởng).
Lưu ý: Trong bài viết này mình sẽ nói về âm giai tự nhiên chứ không nói đến âm giai nhân tạo.
Tên các bậc trong âm giai
Có tất cả 7 bậc trong âm giai tương đương với 7 nốt trong 1 âm giai.
Bậc 1: Chủ âm-Tên của âm giai
Bậc 2: Thượng chủ âm
Bậc 3: Trung âm-Nốt định thể trưởng hoặc thứ của âm giai (dựa vào Quãng 3 trưởng hoặc 3 thứ-sẽ nói sau)
Bậc 4: Hạ áp âm
Bậc 5: Áp âm
Bậc 6: Thượng áp âm
Bậc 7: Cảm âm-Hướng về chủ âm
III. Âm giai tương đối
Giả sử bạn đã biết được 1 bài hát được viết dựa trên âm giai nào, bạn đã biết dùng 3 hợp âm chính của âm giai đó để đệm (Bậc 1,4,5-Mình sẽ nói rõ hơn trong phần sau). Nhưng chẳng lẽ cứ xài mỗi 3 hợp âm đó thì thấy đơn điệu quá, vậy thì những hợp âm nào sẽ sử dụng để phụ vào giúp bài nhạc hay hơn? Tất nhiên là phải có quy tắc cơ bản, và để biết được những hợp âm phụ đó chúng ta cần phải biết âm giai tương đối của âm giai chính trong bản nhạc muốn đệm. Vậy âm giai tương đối là gì?
Âm giai tương đối
Hai âm giai được gọi là tương đối của nhau nếu chúng có chung biến cốt (bằng nhau về số dấu thăng, dấu giáng), mỗi âm giai thể trưởng có 1 âm giai thể thứ tương đối của nó (hay nói ngược lại mỗi âm giai thể thứ có 1 âm giai thể trưởng tương đối của nó) và âm giai thể trưởng cao hơn âm giai thể thứ một quãng ba thứ (hay nói ngược lại âm giai thể thứ thấp hơn âm giai thể trưởng 1 quãng ba thứ).
*Giải thích về quãng 3 thứ:
Khoảng cách giữa 3 nốt nhạc liên tiếp nhau và có chứa 1cung + nửa cung dị được gọi là quãng ba thứ. Hay nói cách khác tổng của 3 nốt này là 1,5 cung.
– 1 cung thì khỏi giải thích ha.
– Nửa cung dị là 2 nốt nhạc khác tên nhau và có khoảng cách là nửa cung (Mi=>Fa; Si=>Đô).
Ví dụ:
Xét âm giai Đô trưởng: Đô Rê Mi Fa Sol La Si Đô ta được 4 quãng ba thứ như sau;
- Rê Mi Fa tương đương (Rê=>Mi=1cung) + (Mi=>Fa=1/2cung dị) = 1cung + 1/2 cung.
- Mi Fa Sol………………tương tự
- La Si Đô……………….tương tự
- Si đô Rê………………………….
Trong âm giai Đô trưởng ta thấy rằng mặc dù có 4 quãng ba thứ nhưng chỉ có quãng La Si Đô là có nốt La thấp hơn nốt Đô 1 quãng 3 thứ, và âm giai La thứ (La Si Đô Rê Mi Fa Sol La) cũng không hề có dấu thăng và giáng giống như âm giai Đô trưởng, vì vậy âm giai La thứ chính là âm giai tương đối của âm giai Đô trưởng. Hay nói ngược lại Âm giai Đô trưởng chính là âm giai tương đối của La thứ.
Vậy thì khi đã biết được âm giai tương đối của âm giai chính trong bài hát, chúng ta sẽ sử 3 hợp âm của âm giai tương đối đó làm hợp âm phụ và cũng sử dụng quy tắc 1-4-5. Lưu ý là tùy hoàn cảnh, tùy giai điệu, có nhiều khi chỉ cần 3 hợp âm chính là đủ rồi, thêm hợp âm phụ lại làm tiếng guitar trở nên ngộ nghĩnh tuổi thơ, không ăn khớp gì với bài nhạc cả.
(Còn tiếp)
Sưu tầm và biên tập: Thanh Mai