Âm giai của quỷ

Tháng 12,2023/ by Tony Tuan 0

“Âm giai của quỷ”

Có phải khi xem phim kinh dị, bạn luôn bị ám ảnh bởi những tiếng nhạc khó chịu, sượng tai. Đấy là bạn đã nghe qua âm giai của quỷ rồi đấy. Lý thuyết âm nhạc hiện đại gọi là Tritone tức trong một âm giai trưởng có quãng 4 tăng (augumented 4th) hay quãng 5 giảm (diminished 5th).

Thời kì trung đại, người ta đã sáng tác các ca khúc ca ngợi Thiên Chúa và được biểu diễn trong các nhà thờ với dạng lễ nghi. Hơn thế thời kỳ này là thời đại của nhạc cổ điển khi vô số tác phẩm được sáng tác. Lúc bấy giờ nhạc sĩ, nhạc công đã quen với âm thanh của các quãng 4 đúng, 5 đúng (perfect 4th; perfect 5th). Các giáo sĩ né tránh và đặt ra 1 luật lệ loại bỏ việc sử dụng âm giai quãng tritone bởi vì âm thanh nghịch tai của nó (dissonant sound). Âm thanh này tạo cảm giác giống như hiện thân của quỷ Satan – tên quỷ của cám dỗ và địa ngục.

“Âm giai của quỷ” bắt nguồn từ cái tên “diabolous in musica” (“the Devil in music”) có nghĩa đen là âm thanh quỷ trong âm nhạc bắt nguồn từ đầu thế kỷ 18. Những câu chuyện kể rằng nếu một nhạc sĩ hoặc giáo sĩ đánh âm giai này sẽ bị rút phép thông công (excommunicate) hoặc bị treo cổ. Nhưng chưa có tài liệu nào chứng minh cho những câu chuyện này. Trong các thế kỷ sau, các nhạc sĩ cổ điển sử dụng âm giai này trong sáng tác nhưng không thật sự rõ ràng

Cấu tạo của âm giai này như sau:

Cách 1: 1 – 2 – 3 – 4# – 5# – 6# – 8

Cách 2: 1 – 2 – 3 – 5b – 6b – 7b – 8

Hình 1. Các tritone đính kèm của từng nốt theo bộ chromatic (nguồn: Hyacinth)

Dựa vào công thức này thì âm giai này bao gồm 12 nửa cung hay (6 nguyên cung). Bạn thử đánh cùng lúc 2 nốt C và F# trên đàn thử xem sao? Âm thanh đó cực kì khó chịu phải không? Chính tai nghe chúng ta cũng nhận thấy nghịch âm mà không phần phải là một người chuyên về nhạc. Khi nghe nhạc, tai nghe chúng ta có xu hướng kết ở hợp âm thuận để tạo cảm giác hoàn chỉnh, đầy đặn. Song âm giai Tritone mang lại cho người nghe sự khó chịu nhất định. Theo John Sloboda – giáo sư tâm lý học âm nhạc tại Trường Nhạc Kịch Guildhall (London) giải thích rằng:

“Bộ não chúng ta được thiết kế để nghe âm nhạc theo mong đợi của mình, và bài nhạc nghe phải thuận tai hơn là nghịch, vì thế mà ta luôn mong đợi một hợp âm thật đã tai. Nếu mà một hợp âm chẳng như ta muốn thì nó tạo một cảm giác rùng mình, bởi vì nó lạ và bất thình lình” (http://mentalfloss.com/article/77321/brief-history-devils-tritone)

Việc phổ biến rộng rãi âm giai Tritone phổ biến có lẽ là do các nhạc sĩ ở thế kỷ 20 như the Beatles với các ca khúc “The Inner Light”, “Blue Jay Way”, “Within You Without You”, hay như Jimi Hendrix với bài “Purple Haze”. Cùng với sự phổ biến của nhạc blues (hầu như dùng hợp âm 7) và sự ra đời của jazz, âm giai tritone bắt đầu có chỗ đứng riêng của mình.

Trong nhạc jazz, do các hợp âm 7 bắt đầu mở rộng sang các quãng 9, 11, 13 cùng với sự hình thành hệ thống hoà âm jazz mới, các âm giai nghịch bắt đầu được nghiên cứu và ứng dụng. Âm giai Tritone được ứng dụng trong hợp âm thay thế cho bậc V của vòng hoà âm II – V – I (sub V chord). Phương pháp này gọi là tritone substitution ứng dụng rất nhiều bởi tay kèn John Coltrane và hình thành trào lưu trong giới nghệ sĩ như Duke Ellington, Charlie Parker,…

Hình 2. Thay thế theo tritone substitution: C7 = F#7 (nguồn: Hyacinth)

Ngoài nhạc jazz, dòng nhạc metal cũng ứng dụng âm giai tritone như ban nhạc Black Sabbath để tạo cảm giác kỳ bí, rùng rợn, dị thường đúng với bản chất của dòng nhạc này. Cuối cùng thoát khỏi sự “ghẻ lạnh” của giới nhạc, âm giai tritone không còn mang cái tên rùng rợn thuộc về quỷ dữ nữa mà đã công nhận như một phần không thể thiếu của âm nhạc hiện đại.

Người viết: Nguyễn Đỗ Thành Nhân

Nguồn: http://www.patheos.com/blogs/geneveith/2011/07/the-devils-interval/

http://mentalfloss.com/article/77321/brief-history-devils-tritone

http://www.diabolus.org/explanation/explanation.htm

https://en.wikipedia.org/wiki/Tritone