7 công việc “xịn xò” cho người yêu âm nhạc
7 công việc “xịn xò” cho người yêu âm nhạc
Bạn có một niềm đam mê mãnh liệt với âm nhạc. Nhưng khi muốn trở thành một phần của ngành công nghiệp âm nhạc, bạn lại không lựa chọn được công việc phù hợp với bản thân. Đừng quá lo lắng nhé, bởi đây là vấn đề mà đa phần ai cũng vướng phải khi lựa chọn công việc để theo đuổi và gắn bó cho cuộc đời mình.
Để giảm bớt lo lắng của bạn, SEAMI sẽ chia sẻ những thông tin bổ ích để giúp bạn xác định được công việc phù hợp với bản thân nhé.
1. Nhạc sĩ:
Sự lựa chọn tự nhiên của cá nhân với một niềm đam mê âm nhạc thực sự là làm việc với vai trò nhạc sĩ. Tuy nhiên, bạn cần hiểu rằng, công việc này có thể làm thỏa mãn niềm đam mê âm nhạc nhưng lại có thể gặp nhiều khó khăn để bạn duy trì cuộc sống ổn định. Tùy vào phong cách âm nhạc của bạn để tìm thấy những khó khăn khác nhau trong việc tìm một chỗ đứng vững chắc trong môi trường đầy rẫy các nhạc sĩ trẻ nhiều hoài bão.
2. Nhà báo viết về âm nhạc:
Khi bạn không phải là người có thể biểu diễn hay sáng tác các bản nhạc, nhưng bạn lại có khả năng tường thuật, mô tả hay phân tích các buổi biểu diễn của người khác, bạn sẽ vô cùng phù hợp để làm việc với tư cách nhà báo viết về âm nhạc. Nhà báo chuyên về lĩnh vực âm nhạc tham dự các buổi hòa nhạc, các sự kiện âm nhạc và đánh giá chất lượng của các buổi biểu diễn, sáng tác các bài viết, trong đó bạn đưa ra những ý kiến của mình về những tác phẩm được biểu diễn.
3. Giáo viên Âm nhạc:
Luôn đắm mình trong môi trường Âm nhạc, lại được truyền đạt những kiến thức về âm nhạc, nhạc cụ…cho học trò của mình. Dạy nhạc đang trở thành một nghề thu hút các bạn trẻ hiện nay. Được thực hành và thể hiện đúng chuyên môn mình đã học lại có được thu nhập ổn định nếu không muốn nói là khá cao.
Giáo viên Âm nhạc lại luôn có được tinh thần thoải mái khi giảng dạy ở lĩnh vực mình yêu thích. Dĩ nhiên bạn phải được đào tạo bài bản và có khả năng sư phạm.
4. Chuyên viên âm thanh, phòng thu:
Chuyên viên âm thanh giải quyết về mặt kỹ thuật của quá trình sáng tạo âm nhạc. Công việc này lý tưởng cho những người yêu thích cả âm nhạc lẫn công nghệ. Những người làm công việc này lắp đặt và duy trì hoạt động các công cụ được sử dụng trong sản xuất âm thanh, bao gồm cả micro, thiết bị ghi âm và thiết bị khuếch đại. Bạn có thể tìm kiếm công việc này trong một loạt các lĩnh vực, bao gồm các hãng ghi âm, các studio chuyên nghiệp, địa điểm biểu diễn âm nhạc và đài phát thanh hoặc đài truyền hình.
5. Nhạc công:
Gọi là nhạc công theo cách phổ biến, hay gọi họ là nghệ sỹ cũng không quá đáng. Bởi họ là những người sử dụng thành thục nhạc cụ được họ yêu thích và tập luyện. Bạn sẽ trở thành nhạc công khi thêm vào đó niềm đam mê biểu diễn dưới ánh đèn sân khấu . Biểu diễn cho người khác thưởng thức cũng đồng thời thỏa mãn nhu cầu cảm nghiệm âm nhạc của chính mình. Sống được đàng hoàng và thoải mái bằng chính đam mê của mình cũng là một ước muốn của bạn chứ nhỉ?
6. Làm việc tại công ty âm nhạc , cửa hàng nhạc cụ:
Một người yêu âm nhạc sẽ có cơ hội để chia sẻ niềm đam mê của mình khi lựa chọn làm việc trong những công ty âm nhạc , cửa hàng nhạc cụ. Cho dù làm việc như một người quản lý, giám sát lập kế hoạch và mua hàng, hay đơn giản là làm công việc của một nhân viên tư vấn bán hàng.Mỗi ngày, bạn được gặp gỡ rất nhiều người yêu âm nhạc, cho bạn cơ hội chia sẻ hiểu biết và đam mê của mình đến với mọi người.
Môi trường làm việc cho phép bạn tiếp xúc với tất cả các loại nhạc cụ và sản phẩm của ngành công nghệ âm nhạc. Bạn có điều kiện thỏa chí tìm hiểu và nghiên cứu những sản phẩm ấy.
7. Nhà sản xuất âm nhạc:
Một nhà sản xuất âm nhạc là người làm ra một album và cũng là người chịu trách nhiệm chính cho các sản phẩm âm nhạc đó. Một album có thể có nhiều ca sĩ/nhạc công/nhạc sĩ khác nhau thể hiện nhưng chắc chắn chỉ có một nhà sản xuất chịu trách nhiệm cho album đó từ đầu đến cuối. Một nhà sản xuất không nhất thiết phải biết sáng tác, biết phối khí, biết hát, nhưng một nhà sản xuất phải hiểu rõ những công việc đó để cuối cùng một sản phẩm âm nhạc làm ra là một sản phẩm hoàn chỉnh.